Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung bị lạc chỗ ở những nơi khác ngoài lòng tử cung. Đây là bệnh lành tính nhưng gây ra nhiều biến chứng, trong đó có vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Nội mạc tử cung là lớp lót trong lòng tử cung, là nơi phôi sau khi thụ tinh sẽ làm tổ để tiếp tục phát triển thành thai nhi.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung bị lạc chỗ ở nhưng nơi khác ngoài lòng tử cung. Đây là một bệnh lành tính, nhưng gây ra nhiều biến chứng, trong đó có vô sinh.

Nội mạc tử cung thường bị lạc ở các cơ quan sinh sản vùng chậu như lạc vào cơ tử cung, vào buồng trứng, cùng đồ âm đạo, túi cùng âm đạo- trực tràng (ngách giữa âm đạo và trực tràng) hay túi cùng âm đạo-bàng quang ( ngách giữa âm đạo và bàng quang), xung quanh vòi trứng,...

Nội mạc tử cung cũng có thể lạc đến những cơ quan khác nằm ở rất xa như mũi, mắt, tai, phổi, gan, niệu quản, lạc ra ngoài da, ở khớp,...

Nguyên nhân nào khiến người này bị lạc nội mạc tử cung còn người khác thì không đến nay vẫn chưa được hiểu rõ.

Lạc nội mạc tử cung có gây vô sinh không?

Lạc nội mạc tử cung được xác định là có thể gây vô sinh. Cơ chế gây vô sịnh do lạc nội mạc tử cung chính xác vẫn chưa được xác định rõ. Một số cơ chế được cho là:

Gây dính vùng chậu khiến cho các cơ quan sinh sản hoạt động không tốt. Vòi trứng có thể bị tắc do các dây dính từ bên ngoài, khiến tinh trùng không thể đến thu tinh với trứng, đồng thời vòi trứng bị dính sẽ khó bắt lấy trứng khi trứng rụng.

Lạc nội mạc vào cơ tử cung sẽ làm cho tử cung không to lên được để mang thai.

Làm biến đổi môi trường nội tiết khiến nội mạc tử cung không thuận lợi cho phôi làm tổ.

Gây suy hoàng thể sớm khiến phôi không phát triển được. (Hoàng thể là cấu trúc sản xuất các chất nội tiết để hỗ trợ cho thai kỳ trong 3 tháng đầu.)

Làm rối loạn sự phát triển của các nang trứng và rối loạn rụng trứng.

Làm giảm chất lượng của trứng.

Làm sao để biết bị lạc nội mạc tử cung?

Lạc nội mạc tử cung khiến bệnh nhân bị đau bụng nhiều một vài ngày trước khi hành kinh, trong và sau khi hành kinh, và đau khi giao hợp. Nếu lạc nội mạc tử cung lâu ngày và nặng, bệnh nhân sẽ đau bụng thường xuyên không liên quan đến chu kỳ kinh hay giao hợp.

Đến mỗi chu kỳ kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ bị bong tróc, chảy ra ngoài qua ngả âm đạo gây ra hiện tượng hành kinh. Nội mạc tử cung lạc ở các vị trí khác cũng sẽ có hiện tượng bong tróc, xuất huyết khiến bệnh nhân đau rất nhiều tại các vị trí có lạc nội mạc tử cung và có thể chảy máu ra ngoài như chảy mũi, mắt, tai, ho ra máu, tiểu ra máu, xuất hiện các vết bầm máu tự nhiên ở da, khớp,... luôn luôn cùng lúc với thời điểm bệnh nhân hành kinh.

Lạc nội mạc tử cung cũng có thể không có triệu chứng gì.

Nếu có một trong các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến khám ở các chuyên khoa sản phụ khoa hoặc chuyên khoa vô sinh nếu đang mong con. Tại các cơ sở này, bệnh nhân sẽ được thăm khám vùng chậu, làm các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán như siêu âm, chụp MRI. Ngoài ra, xét nghiệm máu (CA-125) cũng có thể giúp chẩn đoán trong một số trường hợp.

Cách chẩn đoán chính xác nhất là nội soi ổ bụng, lấy khối lạc nội mạc tử cung và thử giải phẫu bệnh. Tuy nhiên, trong đa sô các trường hợp, chẩn đoán hình ảnh kết hợp với tính chất đau điển hình nêu trên đã đủ để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung.

HÌnh ảnh siêu âm khối lạc nội mạc tử cung

Nang lạc nội mạc tử cung trên siêu âm

Làm sao để điều trị lạc nội mạc tử cung?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lành tính nhưng hay tái phát. Do tính chất lành tính nên nếu bệnh không gây triệu chứng hay khó chịu gì cho bệnh nhân thì không cần điều trị. Có nhiều cách để điều trị nếu lạc nội mạc tử cung gây triệu chứng hoặc biến chứng. Có thể điều trị triệu chứng hoặc điều trị triệt để.

Điều trị triệu chứng: chỉ có thể làm giảm triệu chứng đau và hạn chế lạc nội mạc tử cung tiến triển nặng hơn, chứ không thể làm cho lạc nội mạc tử cung biến mất hoàn toàn.

Để điều trị triệu chứng đau, có thể dùng một trong các loại thuốc sau: thuốc giảm đau non- steriod, thuốc viên ngừa thai phối hợp, progesterone tự nhiên hoặc tổng hợp, GnRH agonist, Danazol.

Phẫu thuật bóc tách, lấy bỏ khối lạc nội mạc tử cung trong trường hợp lạc nội mạc tử cung nặng.

Điều trị triệt để: cắt bỏ tử cung và các khối lạc nội mạc tử cung, chỉ định trong các trường hợp:

Bệnh nhân đã lớn tuổi (.45 tuổi) hoặc < 45 tuổi nhưng chấp nhận sẽ không có kinh nữa sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, và đã có đủ số con mong muốn.

Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, chấp nhận hoặc yêu cầu cắt tử cung dù chưa có đủ con.

Điều trị vô sinh do lạc nội mạc tử cung như thế nào?

Hiện có 2 phương pháp chính để điều trị vô sinh nói chung và điều trị vô sinh do lạc nội mạc tử cung nói riêng.

Thụ tinh nhân tạo

Còn gọi là bơm tinh trùng vào buống tử cung. Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp lạc nội mạc tử cung nhẹ hoặc vừa, không ảnh hưởng đến chức năng của vòi trứng và tình trùng chồng bình thường hoặc yếu nhẹ.

Thụ tinh trong ống nghiệm: chỉ định trong các trường hợp:

Lạc nội mạc tử cung nặng

Lạc nội mạc tử cung đã làm tắc 2 vòi trứng

Kết hợp với cấc nguyên nhân khác từ phía chống như tinh trùng yếu nặng, chông không tinh trùng do tắc nghẽn hoặc không do tắc nghẽn,...

Thụ tinh nhân tạo thất bại nhiều lần.

Bệnh nhân lớn tuổi: bệnh nhân trên 40 tuổi bị vô sinh dù do nguyên nhân lạc nội mạc tử cung hay do các nguyên nhân khác không nên làm thụ tinh nhân tạo nữa mà nên làm thụ tinh trong ống nghiệm ngay.

Có nên bóc nang lạc nội mạc tử cung ở buống trứng trước khi kích thích buồng trứng để điều trị vô sinh?

Phẫu thuật bóc nang lạc nội mạc tử cung ở buống trứng trước khi kích thích buống trứng tùy thuộc vào kích thước của nang lạc nội mạc tử cung. Nhiều nghiên cứu khuyến cáo nếu kích thước nang dưới 4 cm thì không nên phẫu thuật bóc nang. Bởi lẽ, khi tiến hành phẫu thuật bóc nang, bắt buộc phải đi qua mô lành của buồng trứng, do đó, có nguy cơ làm tổn thương mô lành của buồng trứng, từ đó tăng nguy cơ gây giảm dự trữ của buồng trứng (tức giảm số trứng còn lại của buồng trứng, mức độ giảm có thể nặng đến nỗi bệnh nhân phải xin trứng sau đó mới có con được).

Nếu nang có kích thước lơn hơn 4 cm, nên bóc nang để buồng trứng đáp ứng tốt hơn khi kích thích buồng trứng, giảm khả năng lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến chất lượng trứng, cũng như giảm sự rối loạn nội tiết do lạc nội mạc tử cung gây ra.

Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn cứng nhắc chung nào cho tất cả mọi bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị đánh giá một cách tổng quát, từ đó đưa ra chỉ định điều trị phù hợp với từng người.

Sau khi có thai, lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng gì đến thai hay không?

Bản thân lạc nội mạc tử cung thường ngưng tiến triển khi có thai. Thai kỳ được cho là phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung một cách tự nhiên mà lại hiệu quả nhất. Do đó, một khi thai đã hình thành và phát triển, có thể yên tâm là lạc nội mạc tử cung sẽ không ảnh hưởng đến thai nữa.

BS. Nguyễn Khánh Linh

Nguồn http://www.ivfvietnam.net/nguyen-nhan-hiem-muon-1/?ncat=61&nid=15