Việc tiêu thụ caffeine ở trẻ em thường được đổ lỗi cho các vấn đề về giấc ngủ và chứng đái dầm. Tuy nhiên, các thông tin về tác động của việc tiêu thụ caffeine ở trẻ em còn rất hạn chế, và do đó, nhiều bậc cha mẹ không thể biết liệu việc cho trẻ sử dụng caffeine có gây ảnh hưởng gì đến trẻ và nếu có thì ở mức độ nào.

Đây chính là cơ sở để BS William Warzak và cộng sự, làm việc tại đại học của trung tâm y khoa Nebraska, tiến hành một nghiên cứu với kết quả đã được công bố trên tờ The Journal of Pediatrics, số tháng 12/2010. Nghiên cứu ghi nhận 75% trẻ em tham gia có dùng caffeine hằng ngày và càng sử dụng caffeine nhiều chừng nào thì thời gian ngủ của trẻ càng ngắn lại chừng ấy.

Nghiên cứu khảo sát trên bố mẹ của hơn 200 trẻ từ 5 đến 12 tuổi trong suốt quá trình khám bệnh định kỳ tại một trung tâm nhi khoa thành phố. Phụ huynh trẻ được hỏi về số lượng, chủng loại bánh snack và thức uống mà con họ sử dụng hằng ngày.

Từ kết quả thu được, tác giả Warzak ghi nhận có những trẻ quanh 5 tuổi dùng một lượng caffein tương đương một lon soda mỗi ngày. Ông cũng lưu ý rằng những trẻ lớn tuổi hơn uống nhiều thức uống chứa caffeine hơn.

Tuy nhiên, các tác giả đã cho thấy caffeine không liên quan đến việc đái dầm ở trẻ. BS Evans, đồng tác giả và cũng là người chịu trách nhiệm thống kê, chỉ rõ rằng trái ngược với những suy nghĩ của đại đa số người dân, trẻ em thường không đái dầm nếu chúng dùng caffeine, mặc dù caffeine là một chất lợi tiểu.

Thông qua kết quả trên, các tác giả nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự hiểu biết của cha mẹ đối với việc tiêu thụ caffeine ở trẻ. Nghiên cứu còn cho thấy cha mẹ nên có ý thức về những ảnh hưởng tiêu cực của caffeine lên chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Các tác giả cũng đề nghị những bác sĩ nhi khoa chăm sóc sức khỏe ban đầu nên giúp cha mẹ trẻ theo dõi việc tiêu thụ caffeine và giáo dục họ những ảnh hưởng bất lợi của caffeine.

(Nguồn: December 16, 2010 - The Journal of Pediatrics)

BS Lê Phạm Thu Hà

Theo http://www.hosrem.org.vn